Tin tức - sự kiện

NGƯỜI VẼ TỪ NHỮNG ĐÊM TRẮNG

Người vẽ từ những đêm trắng

 (07 / 07 / 2011)
Là con trai của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Phạm Hy Lượng, quê ở Ninh Bình, anh được thừa hưởng từ người cha cái gen nghệ thuật và đã bộc lộ khá sớm. Văn Chương đã ham mê vẽ tranh từ khi còn là một cậu bé 5 tuổi và lúc đó đã có tranh được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, 12 tuổi đoạt huy chương bạc trong một cuộc thi tranh của thiếu nhi quốc tế. Khi còn là sinh viên, anh luôn đạt giải cao trong các kỳ thi tài năng của trường Đại học kiến trúc Hà Nội...

Xin đừng lầm tưởng đó là đêm trắng như ở xứ sở trời Tây xa xôi. Mà đây là những đêm anh thức trắng để miệt mài làm việc; thường xuyên thức trắng. Mấy ai hiểu được điều đó, ngay như tôi đây cứ nhận là quen biết anh nhưng nào đã hiểu hết công việc anh làm nếu như không có chuyện hiểu lầm ...
Chuyện là thế này. Anh hẹn làm giúp tôi một việc. Nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Sốt ruột, tôi gọi đến văn phòng vài lần thì đều được trả lời là anh chưa đến. Gọi điện thoại di động thì anh tắt máy. Việc cần, người lại không gặp được, tôi đâm ra bực mình và thầm rủa " thằng cha này chỉ hứa hươu, hứa vượn!..." Rủa xong rồi tôi cũng thấy hơi ân hận là sao miệng lưỡi mình lại có thể cay độc thế? Sau đó, vì bận việc tôi cũng quên bẵng đi
Hôm ấy, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào tôi lại dẹp bỏ tự ái và gọi điện cho anh. Bởi vậy tôi mới hiểu ra rằng, buổi sáng anh thường tắt điện thoại di động để... ngủ cho thoải mái. Buổi chiều anh mới bắt đầu làm việc và kéo dài cho đến tận sáng sớm hôm sau. Ngày hôm sau cũng y chang... Bao nhiêu năm nay rồi anh vẫn cứ " ngủ ngày, cày đêm" như vậy. Nghề mà anh đang làm đòi hỏi tính sáng tạo rất cao, vì vậy rất cần sự yên tĩnh. Mà ở nơi phố phường đông đúc như Hà Nội thì sự yên tĩnh chỉ có về đêm. Qua từng đêm trắng ấy, những công trình kiến trúc cứ mọc lên, mọc lên khắp đó đây trên đất nước Việt Nam thân yêu. Anh là kiến trúc sư Phạm Văn Chương- Giám đốc Công ty tư vấn kiến trúc AC.
Tài năng sớm bộc lộ và có... nòi
Văn Chương thường nói, kiến trúc đối với anh là "cái nghiệp" sẽ đeo đuổi anh suốt cuộc đời. Anh vào nghề như một lẽ đương nhiên phải như thế. Bởi lẽ, anh đã từng mơ được làm một chàng sinh viên Đại học Bách khoa nhưng đã thi trượt. Vốn là người kiêu hãnh, anh mang theo tâm trạng buồn lên đường nhập ngũ. Sau khi giải ngũ, năm 1983 anh thi đỗ ngay vào Trường đại học Kiến trúc.
Là con trai của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Phạm Hy Lượng, quê ở Hoa Lư- Ninh Bình, anh được thừa hưởng từ bố cái gen nghệ thuật và đã bộc lộ khá sớm. Văn Chương đã ham mê vẽ tranh từ khi còn là một cậu bé 5 tuổi và thường được đăng ở báo Thiếu niên Tiền phong, 12 tuổi đoạt Huy chương Bạc trong một cuộc thi tranh của thiếu nhi quốc tế. Khi còn là sinh viên, anh luôn giành giải cao trong các kỳ thi tài năng của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Vừa ra trường, anh đã xác định ngay cho mình chỗ đứng và lập tức gặt hái được những thành công.
Nhiều người bảo anh may mắn. Nhưng anh biết, "cái may mắn" của mình là thành quả của những ngày lăn lộn vất vả, kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những ngày ấy, anh đã từng "ngốn" hàng đống sách vở để rồi sau đó lang thang khắp mọi ngõ ngách của phố phường Hà Nội tìm kiếm và nghiên cứu về những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp, hòng bù đắp những gì còn thiếu trong sách vở. Để thử sức, anh xin được thiết kế những công trình xây dựng nhỏ... miễn phí. Miệt mài tháng ngày như dòng sông nhỏ kiên trì bồi đắp phù sa, ra trường "may mắn" hơn các bạn đồng nghiệp, anh đã có vốn kiến thức kha khá trong tay để có thể hành nghề.
Gây dựng cơ đồ
Song, để kiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội thật không dễ dàng chút nào. Hồi ấy, khách hàng chỉ tín nhiệm những gì thuộc về cơ quan nhà nước. Để được làm việc, anh phải dựa vào tư cách pháp nhân của các cơ quan như: Hội Kiến trúc sư, Viện Kiến trúc Việt Nam, Công ty tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam. Qua thời gian làm việc ở những nơi đó, bằng các sản phẩm của mình anh đã dần dần quen khách hàng và bắt đầu có uy tín. Nhưng vốn tính phóng khoáng, ưa tự do, không thích bất kỳ sự gò ép nào, Văn Chương đã rời bỏ cơ quan nhà nước và năm 2001 thành lập công ty riêng. Anh cũng tập hợp được một đội ngũ những kiến trúc sư có chí hướng như mình hợp tác. Kể từ đây, tính độc lập sáng tạo của anh được phát huy tối đa. Kết quả đem lại từ đó thật sự khiến người ta phải kinh ngạc.
Những công trình lớn nhỏ mà anh đã thiết kế có thể kể đến hàng trăm, phần lớn là các trụ sở công sở, khách sạn, bảo tàng, khu vui chơi giải trí... cùng vô số các biệt thự cao cấp. Đó là trụ sở UBND quận Đống Đa, trụ sở Liên hiệp Đường sắt Việt Nam ( nay là TCT Đường sắt Việt Nam), trụ sở VIETCOMBANK Hà Nội, trụ sở báo Hà Tây, trụ sở Viện KHHS Bộ Nội vụ ( nay là Bộ Công an), Khách sạn Tuyên Quang, trụ sở ngân hàng nhà nước tỉnh Tuyên Quang, trụ sở công an tỉnh Lai Châu, trụ sở thị uỷ Hà Giang... Bảo tàng quân khu II, III, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng hàng không, nhà văn hoá tỉnh Lạng Sơn, khách sạn Thiên Đường (số 2 Phùng Hưng), Khách sạn Vườn thủ đô (số 48A Láng Hạ), khách sạn sân bay Quốc tế Nội Bài, khách sạn Dream Hạ Long (sắp khánh thành), Khách sạn Dream Thái Bình, khách sạn du lịch 5 sao Đồ Sơn, quy hoạch chi tiết khu đô thị 1 Đảo Tuần Châu- Hạ Long, ...
Người ta đã truyền cho nhau cái tên Văn Chương gắn liền với kiến trúc đẹp, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng... Trong giới kiến trúc, anh được nhớ đến với một phong cách độc lập, phóng khoáng, mạnh mẽ, linh hoạt... Nhờ cái chất nghệ sỹ ấy mà nhiều khi anh em trong công ty được Giám đốc Văn Chương cho nghỉ việc và... đi chơi một lèo, nhưng khi làm việc lại không kể giờ giấc, ngày đêm. Anh luôn dặn anh em trong công ty phải giữ uy tín với khách hàng bằng chất lượng các công trình, không chấp nhận sự sao chép, giả dối. Riêng với anh, được làm đẹp cho đời là điều hạnh phúc nhất.
Quả thực, anh luôn cố gắng sống là một người có ích cho đời. Với anh em trong công ty, anh đem lại cho họ một môi trường làm việc tốt, thu nhập cao và đãi ngộ xứng đáng. Với khách hàng, anh luôn đem đến cho họ những sản phẩm tốt nhất. Bạn bè cần điều gì anh sẵn sàng giúp đỡ. Với lớp trẻ, anh kèm cặp họ tận tình chu đáo theo đúng nghĩa của một người thầy, người anh, người bạn vong niên, truyền hết cho họ cái tâm huyết với nghề: Làm người phải biết vươn lên trong cuộc sống, làm việc và cống hiến cho cuộc đời nhiều hơn nữa. " Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".

Kim Ngọc - Doanh nhân Việt Nam xưa và nay

 

Thẻ tag:

Zalo Messenger