Tin tức - sự kiện

KTS Văn Chương chia sẻ với Nhà Báo và Công Luận về kiến trúc Châu Âu - Pháp cổ điển

 

Kiến trúc Pháp: đó là kiệt tác, tinh hoa và đỉnh cao… KTS Phạm Văn Chương khẳng định như thế khi nhắc đến những giá trị…vượt thời gian của kiến trúc Pháp. Với hơn 20 năm gắn bó, là một KTS đam mê và hết lòng trăn trở với nền kiến trúc nước nhà, ông chia sẻ với báo Nhà báo và Công luận nhiều điều xung quanh câu chuyện phát triển kiến trúc Việt Nam, vận dụng kiến trúc Pháp vào Việt Nam để có những ngôi nhà mơ ước: sang trọng, tinh tế, diễm lệ... mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc!

 

KTS. VĂN CHƯƠNG


+ Mấy ngày nay dư luận xôn xao về thông tư số 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng có yêu cầu: "… mỗi đô thị có ngôn ngữ kiến trúc riêng phù hợp với điều kiện cảnh quan, môi trường tự nhiên, tập quán vùng miền… đặc biệt lưu ý các tỉnh, TP không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu." Tôi thiết nghĩ theo quy định này, phải chăng nếu khu vực Tây Nguyên tất cả đều thiết kế kiểu nhà Rông hay khắp các tỉnh thành khu vực Tây Bắc đều phải nhà sàn hay khu vực Đồng bằng Bắc Bộ phải xây nhà 3 gian 2 trái? Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư nhiều năm gắn bó với nghề, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Đây là quy định của Bộ Xây dựng đưa ra, mặc dù tôi không phải là nhà hoạch định chính sách nhưng là người am hiểu kiến trúc, gắn bó với lĩnh vực này nhiều năm, tôi cho là rất khó. Kiến trúc sư đã thấy khó thì đương nhiên người dân sẽ khó gấp bội phần. Khó cho cả người thiết kế lẫn người thi công và sử dụng. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nên có những định hướng cụ thể hơn, sát thực tiễn hơn. Và xin thưa, nếu theo quy định này, tôi xin đầu hàng.

+ Nhưng thực tế, có vẻ như kiến trúc ở Việt Nam đang ở tình trạng…rối! Nên câu chuyện lựa chọn hướng đi nào, định hướng nào thực sự phù hợp lúc này là chuyện rất khó?

Tôi không nói là dễ và chắc hẳn không thể ngày một ngày hai để có được một hệ thống kiến trúc hoàn hảo. Nhưng dưới góc độ người làm nghề, tôi cho rằng, chúng ta nên có sự học hỏi những tinh hoa của thế giới chứ đừng bó buộc trong câu chuyện “bản sắc”, “vùng miền” một cách khuôn phép, không nên khư khư theo lối cổ điển khi cuộc sống ngày một phát triển, hiện đại, con người ngày một hướng đến gần hơn…chân, thiện, mỹ.

+ Tôi đồng ý, việc học hỏi là quan trọng nhưng học như thế nào, học theo kiến trúc nào, thưa kiến trúc sư?

Ngay trong trường đại học cũng như một quá trình dài học hỏi, nghiên cứu ở nước ngoài, tôi đã được “mục sở thị” rất nhiều những tinh hoa kiến trúc của thế giới. Tôi thấy được tất cả những tinh túy của nhân loại trong kiến trúc Châu Âu, Châu Á, và cả ở dân tộc ta cũng có những cái hay, cái đẹp. Nhưng với cá nhân tôi, kiến trúc Pháp vẫn là những giá trị có sức sống trường tồn nhất. Chúng ta hãy nhìn những di sản còn lại ở Việt Nam: Một Thủ Đô với Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng lịch sử… và rất nhiều biệt thự trên các Phố Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… Một Sài gòn với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nhà hát Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng tp.Hồ Chí Minh… Hàng trăm năm nhưng kiến trúc kiểu Pháp không những không lạc hậu mà có thể khẳng định không có công trình đương đại nào có thể vượt qua về giá trị thẩm mỹ, giá trị kiến trúc. Mà thực tế, không chỉ ở Việt Nam, giá trị ấy được cả Thế giới công nhận, thậm chí ở Hoa Kì, những công trình đẹp nhất đến nay vẫn là kiến trúc Châu Âu, kiến trúc Pháp như: Nhà trắng, Nhà Quốc hội Mỹ, Tượng thần tự do…chẳng hạn. Phải khẳng định rằng đó là kiệt tác, tinh hoa và đỉnh cao… Tôi vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục và luôn luôn trăn trở, mong muốn đem những tinh hoa, trí tuệ ấy vào Việt Nam. Vấn đề là nghiên cứu thế nào, vận dụng thế nào cho phù hợp…

Đừng làm kiểu chắp vá, bắt chước

+ Quả đúng là giá trị được đo bằng thời gian thì không thể phủ nhận nhưng việc đưa kiến trúc Pháp vào Việt Nam, tôi cũng rất quan tâm đến câu chuyện vận dụng thế nào?

Tôi cho rằng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, khoa học, trí tuệ trong những trường hợp cụ thể mới có hiệu quả và khả thi cao. Tiếp thu và phát huy để biến những thứ của họ thành của mình lại là cả vấn đề, đòi hỏi nền kiến trúc nước nhà cần được quan tâm nhiều hơn nữa, quan tâm từ chủ trương, từ định hướng…

+ Nhưng xin thưa, nhìn vào bộ mặt kiến trúc tôi thấy, có những ngôi nhà với đủ kiểu dáng vận dụng theo Châu Âu, Pháp nhưng lại bị không ít lời chê bai. Ông nghĩ sao về điều này?

Đó cũng là những điều tôi đau đáu nhiều năm nay. Nhiều người nhìn thấy kiểu kiến trúc Pháp thì rất thích, học theo, làm theo mà không biết rằng với kiến trúc của một ngôi nhà phải có sự hài hòa từ kiểu dáng đến nội thất, từ vị trí, diện tích đến cảnh quan. Và tất cả đều cần phải được nghiên cứu và vận dụng một cách khoa học. Chính vì thế, quan trọng nhất là phải tìm đến các chuyên gia, các nhà thiết kế chuyên nghiệp, các kiến trúc sư uy tín để được tư vấn, hỗ trợ… Tôi đã gắn bó hơn 20 năm nay với kiến trúc, vô cùng đam mê và bị cuốn hút trước vẻ đẹp sang trọng, tinh tế của kiến trúc Pháp… cũng rất chạnh lòng trước sự tràn lan, bắt chước, chắp vá của người dân. Đó là lí do tôi xây dựng Công ty Tư vấn, Thiết kế Kiến trúc AC hơn 10 năm nay, là đơn vị chuyên về kiến trúc Pháp để định hướng giúp người dân có được sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với sở thích, công việc của từng gia đình…

Vận dụng không nằm ngoài bản sắc dân tộc

CÔNG TRÌNH MẪU TIÊU BIỂU CỦA KTS. VĂN CHƯƠNG

+ Nhưng nói thật, ví dụ ông đưa ra, tôi thấy có vẻ kiến trúc Pháp phù hợp các công trình Nhà nước đồ sộ, to lớn… Nhiều người cũng nghĩ rằng, kiến trúc là một phạm trù rất…vĩ mô?

Không hẳn vậy, kiến trúc có sự gần gũi và thiết thực đến từng người dân đấy chứ. Hiện nay nhu cầu người dân thích kiến trúc Pháp rất nhiều. Nhìn vào công việc của chúng tôi hàng ngày cũng như tâm lý của khách hàng đến nghe tư vấn thì càng khẳng định, kiến trúc này luôn được đón nhận và được yêu thích ở thị trường Việt Nam. Bạn hãy nhìn xem, khu đô thị Ciputra, khu đô thị Royal City với phong cách Pháp, Châu Âu…đang là niềm mơ ước của bao người, là một trong những khu biệt thự có giá đắt nhất Hà Nội.

+ Có điều tôi vẫn trăn trở đó là, câu chuyện bản sắc dân tộc. Người Việt Nam luôn luôn đặt điều đó lên hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực, kiến trúc cũng không ngoại lệ, ông biết chứ?

Tất nhiên rồi. Tôi khẳng định, chúng tôi tư vấn, thiết kế cũng không nằm ngoài…bản sắc dân tộc mà người dân Việt Nam coi trọng. Trước hết, chúng tôi nghiên cứu đưa phong thủy vào, đưa kiến trúc kiểu Pháp vào Việt Nam với đầy đủ sự ưu việt từ nguyên vật liệu đến việc thi công xây dựng. Nguyên liệu hết sức đơn giản; thân thiện với thiên nhiên, môi trường, thời tiết, chỉ có gỗ, vôi vữa, kính thường, gạch cát sỏi…chứ không cần phải kính cường lực, vật liệu cao cấp PV, Aluminum hay những vật liệu phải nhập nước ngoài, rất tốn kém ngoại tệ. Và với những bức tường dày, cửa sổ cao rộng nên mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát…thỏa mãn và phù hợp với khí hậu Việt Nam. Quan điểm của tôi, bản sắc dân tộc trong kiến trúc nằm ở giá trị thực sự mà con người cảm nhận được. Người ta thấy thoải mái nhất trong một tổ ấm đẹp, là chốn đi về bình yên cho mỗi người, là những ngôi nhà phù hợp với nhiều thế hệ, phù hợp với phong tục tập quán địa phương…đó là bản sắc dân tộc rồi. Bản sắc dân tộc còn gì hơn là đáp ứng nhu cầu, thỏa mãn phong cách, ước mơ của người dân Việt Nam.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Hà Vân (Thực hiện)

 

Thẻ tag:

Zalo Messenger